Chào các bạn.
Chemical Peels hay còn được gọi là peel da hoá học – “lột da” hoá học là một phương pháp cũng có từ khá lâu nhưng gần đây mình thấy được rất nhiều bạn quan tâm và muốn sử dụng phương pháp này, một số bạn còn xem nó như là một liệu pháp “thần kỳ” để cải thiện làn da. Nhưng thực sự Chemical Peels có hiệu quả như những “lời đồn” hay không, phương pháp này có ưu và nhược điểm gì? Trong chuyên đề lần này chúng ta cùng tìm hiểu nhé.
Đúng như thên gọi là “những điều cần biết” nên bài viết này sẽ khá dài, chủ đề về Chemical Peels cũng rất là rộng vì thế mình đã quyết định sẽ chia làm 3 phần để các bạn có thể đọc thoải mái và dễ hiểu hơn nhé. Cụ thể chủ đề của từng phần như sau:
- Phần 1: Chemical Peels là gì? – Phân tích các loại Chemical Peels
- Phần 2: Phân tích Chemical Peels ở đâu là tốt nhất, tại nhà hay clinic chuyên nghiệp – Hướng dẫn cách Chemical Peels tại nhà
- Phần 3: Chemical Peels và tác dụng đối với mụn – Tác dụng phụ, những cảnh báo khi sử dụng Chemical Peels
Và bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu Phần 1 của chuyên đề này nhé.
I/ CHEMICAL PEELS LÀ GÌ?
Chemical peels là phương pháp “lột da” hoá học thường sử dụng các dung dịch có tính acid đậm đặc để giúp bong tróc lớp ngoài của da. Phương pháp này giúp cải thiện và khắc phục 1 số tổn thương của da bao gồm: tổn thương do tác hại của mặt trời, sẹo mụn, loại bỏ các nếp nhăn, cải thiện sắc tố không đồng đều, giúp da mềm mại và mịn mượt hơn.
Chemical peels không phải là một phương pháp mà bất cứ ai cũng cần dùng đến, nhưng nếu bạn đang muốn có một phương pháp nhanh để cải thiện làn da thay vì thời gian dài chờ đợi mỗi đêm dùng AHA, BHA thì chemical peels có thể giúp bạn thực hiện điều đó 1 cách nhanh chóng hơn.
Peel da hoá học có thể đi vào trong da với mức độ nông, sâu vừa hay sâu tùy vào độ thẩm thấu vào da, tuy nhiên peels da sâu thì bây giờ ít được áp dụng hơn mà hầu hết được thay thế bởi liệu pháp Laser.
Các loại chemical peels phổ biến gồm: Glycolic Acid, Salicylic Acid, Enzyme, Lactic Acid, TCA peels (Trichloroacetic Acid) có tỷ lệ % từ 10% – 75%. Tuỳ vào làn da của mỗi người, chúng ta sẽ lựa chọn tỷ lệ % khác nhau, sao cho phù hợp nhất. Đối với phương pháp peel da hoá học này mình có một lời khuyên là các bạn phải hiểu làn da của bản thân trước khi muốn sử dụng. Nếu như bạn còn đang thật sự phân vân thì việc tìm đến bác sĩ để tư vấn là rất cần thiết, bác sĩ sẽ cho bạn biết được cách thức phản ứng của da, những khuyến cáo dành cho bạn. Để bàn sâu hơn về mục này thì qua Phần 2 mình sẽ viết 1 cách cụ thể hơn nhé.
II/ PHÂN TÍCH CÁC LOẠI CHEMICAL PEELS
Từng loại chemical peel dưới đây sẽ chỉ ra những đặc tính và lợi ích của mỗi loại khác nhau. Tuỳ thuộc vào loại da của bạn, tình trạng da hiện tại đang cần khắc phục điều gì các bạn sẽ biết được loại peel da hoá học nào sẽ phù hợp với bản thân. Để biết sản phẩm nào thuốc loại peel da hoá học nào các bạn có thể kiểm tra thành phần có in trên nhãn sản phẩm, hầu hết các thương hiệu đều phải công bố rõ ràng nên các bạn yên tâm nhé.
A/ Glycolic Acid Peel
Theo mình đây là loại peel da phổ biến nhất trong tất cả các loại peel da hoá học. Glycolic Acid thuộc Alpha Hydroxy Acid (AHA) peel mang lại những lợi ích và có những đặc điểm sau:
- Giúp làm giảm vết thâm mụn và các đốm nâu trên da rất tốt
- Giúp giảm mụn đầu đen
- Làm sạch sâu lỗ chân lông
- Làm da thô ráp trở nên mịn màng hơn
- Giúp da được đều màu
- Cải thiện sự xuất hiện của nếp nhăn
- Dung dịch để peel thường rất lỏng
- Glycolic Acid được xem là một sản phẩm lột nhẹ cho da
Mình cũng đã từng peel da bằng Glycolic Acid rồi, sau 3 phần này mình sẽ viết 1 bài review cụ thể cho sản phẩm Glycolic Acid peel để các bạn tham khảo nhé.
B/ Salicylic Acid Peel
Salicylic Acid Peel thuộc Beta Hydroxy Acid (BHA) peel mang lại những lợi ích và có những đặc điểm sau:
- Salicylic Acid peel có thể xâm nhập sâu vào da hơn Glycolic Acid peel
- Thích hợp cho da nhờn, mụn
- Giúp làm sạch lỗ chân lông
- Dung dịch peel Salicylic acid thường rất lỏng
- Những ai dị ứng với Aspirin nên tránh loại peel này
- Đây cũng được xem là một sản phẩm peel nhẹ cho da
C/ Lactic Acid Peel
Lactic Acid peel thuộc loại Alpha Hydroxy Acid (AHA) có nguồn gốc từ sữa. Sau đây là những lợi ích và đặc tính của Lactic Acid peel:
- Cải thiện sắc tố da tốt, giúp da đều màu hơn (Lactic Acid peel tốt hơn Glycolic Acid peel về mục cải thiện sắc tố)
- Là chất phù hợp cho những ai lần đầu peel da hoá học
- Phù hợp với mọi loại da
- Được xem là một chất peel nhẹ
- Giúp da mịn màng
- Làm mờ các vết thâm hiệu quả
- Cải thiện sự xuất hiện của các nếp nhăn
- Dung dịch sản phẩm thường có màu vàng, đặc hơn so với Glycolic Acid peel và Salicylic Acid peel
NeoStrata Pro Systems Peels
D/ Enzyme Peel
Enzyme peel thuộc nhóm “non-acid”, thường được chiết xuất từ trái cây. Sau đây là những lợi ích và đặc tính của Enzyme peel:
- Giúp tẩy tế bào chết trên bề mặt da của bạn nhưng nhẹ nhàng hơn so với các sản phẩm khác
- Tốt cho những ai nhạy cảm hoặc kích ứng Acid
- Phù hợp với mọi loại da
- Được xem là một sản phẩm peel nhẹ
E/ Mandelic Acid Peel
Mandelic Acid peel cũng thuộc loại Alpha Hydroxy Acid (AHA) có nguồn gốc từ hạt hạnh nhân. Sau đây là những lợi ích và đặc tính của Mandelic Acid peel:
- Dễ chịu hơn so với Glycolic Acid và Lactic Acid
- Tốt cho những ai mới sử dụng peel
- Được xem là một sản phẩm peel nhẹ
- Tốt cho da mụn
- Tốt cho da bệnh nhân rosacea
- Giúp làm sáng da
- Phục hồi hư tổn cho làn da chịu tác động vởi tia UV
- Cải thiện sự xuất hiện của nếp nhăn
- Dung dịch sản phẩm lỏng
F/ TCA Peel
TCA peel có những đặc tính và lợi ích sau:
- Tốt cho da mụn và thâm
- Giúp phục hồi làn da bị tổn thương do tia UV
- Cải thiện nếp nhăn và đường nhăn
- Cải thiện các vết sẹo lỏm nhẹ
- Cải thiện các vết rạng da
- Đây là loại peel có tác động mạnh hơn các loại bên trên
- Da khi sử dụng TCA peel sẽ bị bong tróc
- Có thể gây đau rát trong quá trình peel
G/ Phenol Peel
Đây là một trong những sản phẩm peel da hoá học có thể được gọi là mạnh nhất. Sau đây là những đặc tính và lợi ích của Phenol peel:
- Giảm nếp nhăn hiệu quả
- Loại bỏ các đốm tàn nhang và giảm sự gia tăng sắc tố da
- Cải thiện sẹo mụn
- Làm mờ các vết thâm nám
- Cần gây tê trong quá trình thực hiện
- Cần sử dụng thuốc giảm đau sau quá trình thực hiện
- Da cần ít nhất 1 tháng để khôi phục
- Da sẽ trở nên sưng đỏ sau đó sẽ chuyển dần sang màu nâu và bong ra
- Da sẽ bị đỏ trong 2-3 tháng sau khi bong
- Phải được thực hiện bởi bác sĩ da liễu hoặc chuyên da đặc biệt – không được phép tự thực hiện tại nhà
III/ TỔNG KẾT
Đối với phần 1 mình hy vọng qua bài viết này các bạn có thể hiểu rõ hơn về peel da hoá học là gì và xác định bạn có cần thiết phải sử dụng đến phương pháp này hay không. Và lựa chọn được đúng loại peel da hoá học phù hợp với bản thân nhất.
Chăm sóc da là cả một quá trình và điều tốt nhất là phải phù hợp với bản thân chứ không nhất thiết phải theo bất kỳ một xu hướng nào nhé.
Một lần nữa mình hy vọng bài viết này sẽ có ích cho các bạn và nhớ đón đọc các phần còn lại nhé.
Chúc các bạn luôn xinh.
Thông tin tham khảo:
- Panacea
- Australian Medical Association
3 Comments
Thùy Trần
October 20 at 10:54 pmThúy ơi Thúy viết bài về các nhân tố gf trong mỹ phẩm đi. Nhân tố gf nào hợp vs loại da nào. Có kết hợp vs nhau đc ko?
Dung
November 20 at 1:45 amChị ơi em chờ tiếp p2 và p3, em đang muốn đi peel, có bài viết của c để tham khảo thì tốt quá, mong lắm, thanks chị!
Hà phương
April 8 at 9:38 pmCho e hỏi là trong thời gian cho con bú mình sử dụng được không ạ