Chào các bạn.
Lâu lắm rồi mình không viết về thành phần các chất có trong mỹ phẩm mà chỉ tập trung review tổng kết Top các sản phẩm vì trong thời gian này là dịp cuối năm, nhưng dạo gần đây có một số bạn biết mình học về da liễu nên hay hỏi mình về lượng chì trong son ảnh hưởng như thế nào? Có loại son nào hoàn toàn không chứa chì không? Son high-end như Tom Ford không chứa chì đúng không? Và chắc hẳn rằng từ trước đến nay các bạn luôn nghe được những lời đồn rằng môi thâm là sử dụng son có nhiều chì, son càng rẻ thì càng nhiều chì… Hay lượng chì có trong mỹ phẩm có thể gây hại đến sức khoẻ của các bạn.
Cao nhất là đỉnh điểm năm 2011, FDA công bố danh sách hàm lượng chì trong hơn 400 mẫu son của các hãng lớn nhỏ khác nhau như: Chanel, Dior, MAC, Lancome, Revlon… làm mọi người cứ liên tục share và tránh những sản phẩm trong list 400 được công bố kia, chỉ vì những tờ báo giật tít rằng chì có trong các loại son đó.
Vậy sự thật như thế nào chúng ta cùng lí giải nhé.
I/ CHÌ CÓ ĐƯỢC THÊM VÀO SON MÔI CỦA BẠN?
Câu trả lời sẽ là không, bởi vì chì không được thêm vào bất kỳ mỹ phẩm hay bất cứ thứ gì dùng cho người sử dụng. Sự việc phát hiện lượng chì trong các cây son bắt nguồn từ các sắc tố được sử dụng để tạo ra màu sắc của cây son. Gần như tất cả các chất màu mỹ phẩm đều có nguồn gốc từ những chất khoáng tự nhiên ngay trong lòng trái đất. Tất cả các chất khoáng tự nhiên (từ nhôm, kẽm oxit) sẽ chứa hàm lượng của các yếu tố tự nhiên như chì, nhưng mọi thành phần được sử dụng trong mỹ phẩm makeup hay các sản phẩm chăm sóc da đều được kiểm định, phân loại và xử lí sao cho các thành phần này đều “sạch” và không có hại dưới bất kỳ hình thức nào. Và đó cũng là lí do tại sao trong các loại son, bao gồm các loại mỹ phẩm khác nói chung, chúng ta sẽ thấy chì thường không được các nhà sản xuất liệt kê có trong bảng thành phần. Họ không lừa dối, cũng không trốn tránh mà đơn giản là không có một tập đoàn mỹ phẩm nào trực tiếp cho chì vào các sản phẩm của họ.
Thế nên việc hàng hoạt những sản phẩm làm thủ công, đơn giản, chưa qua một nghiên cứu hay phân tích nào mà các bạn khẳng định “sản phẩm của chúng tôi không chứa chì” thì chúng ta nên đặt một dấu (?) lớn về sự trung thực.
II/ HÀM LƯỢNG CHÌ TRONG MỸ PHẨM CÓ ĐÁNG ĐỂ LO LẮNG ?
Chì là thành phần có mặt khắp mọi nơi từ oxy, nước, bụi, thực phẩm… và gần như có trong tất cả các “vật thể” vật chất trên trái đất. Thế nên chúng ta không có gì ngạc nhiên khi chì cũng có mặt trong những thành phần có nguồn gốc tự nhiên, bao gồm cả các chất tạo màu.
Chúng ta có một tính toán như sau: parts-per-million (ppm, phần triệu) là một số lượng rất nhỏ, ví dụ đơn giản nhất để so sánh đó là 1 hạt đường trong 5 pounds bột. Theo như báo cáo của FDA, số lượng trung bình của chì trong son môi là 1.11 ppm. Nếu chúng ta tính trung bình một thỏi son là 1.5 gram, thì 300 cây son sẽ = 1 pound. Và theo như con số đó, sẽ có rất ít chì trong son, số lượng rất nhỏ không có ảnh hưởng gì cả. Chúng ta cần phải ăn hết hàng ngàn thỏi son trong đời thì mới có đủ lượng chì để ảnh hưởng sức khỏe rất nhỏ, và các bạn biết đấy, có ai cầm thỏi son lên ăn bao giờ đâu. Thường thì bạn chỉ ăn 1 tí son, còn lại hầu hết thì nó dính lên thứ khác chứ chúng ta không nuốt phải.
Vậy nên chì có trong son môi không đáng để chúng ta phải lo lắng.
III/ LƯỢNG CHÌ FDA QUY ĐỊNH LÀ BAO NHIÊU?
Mình quay lại vấn đề về danh sách hàm lượng chì của 400 thỏi son mà FDA từng công bố. Chắc chắn các bạn sẽ đặt câu hỏi, vậy công bố đó có ý nghĩa gì và dựa vào con số nào để chúng ta có thể an tâm sử dụng tiếp những sản phẩm đó. Thì sau đây sẽ là lí giải về điều này.
FDA không đặt ra giới hạn chì trong mỹ phẩm, nhưng FDA luôn có sự kiểm soát chặt chẽ về giới hạn lượng chì trong các chất tạo màu sử dụng để sản xuất mỹ phẩm nói chung và son nói riêng. Mức chất tạo màu quy định được cho phép dùng cho mỹ phẩm là không quá 20 ppm (khoảng 20 miligram chì / 1 kilogram son, tương đương 20 phần triệu). Theo công bố năm 2011 của FDA về 400 loại son chứa lượng chì cao nhất từng gây tranh cãi, cây son nằm ở vị trí số 1 chứa nhiều chì nhất, cũng chỉ chứa hàm lượng chì là 7.19 PPM (mức cho phép là dưới 20 PPM), còn nồng độ chì trung bình trong 400 thỏi son được kiểm tra là 1,11 PPM, như vậy cả 400 cây son được list trong danh sách vẫn nằm ở mức an toàn.
IV/ KẾT LUẬN
Trên thực tế, việc xác định nồng độ chì an toàn cho chúng ta tiếp xúc hằng ngày sẽ rất khó khăn. Theo Cosmetics, Toiletry and Fragrance Association (CTFA), “hàm lượng chì trung bình một người phụ nữ tiếp xúc khi sử dụng mỹ phẩm ít hơn 1.000 lần so với lượng chì cô ấy hấp thụ từ quá trình ăn, hít thở và uống nước”. Tổ chức European Cosmetic, Toiletry and Perfumery Association (COLIPA) cũng đồng ý với nhận xét của CTFA. Vậy nếu chúng ta kêu gọi không nên sử dụng mỹ phẩm vì chứa chì thì tại sao lại không kêu gọi mọi người ngưng uống nước, ăn, hoặc thậm chí là ngưng hít một hơi thật sâu vì sợ rằng sức khỏe của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi chì?
Nói tóm lại, nếu bạn cảm thấy lo ngại về việc tiếp xúc với chì, bạn muốn bảo vệ sức khỏe của mình thì hãy mang sơn, đất và nguồn nước trong nhà của bạn đi thử nghiệm nồng độ chì hơn là lo lắng về những món đồ makeup hay mua thêm một cây son sẽ làm hại bạn.
Qua những phân tích trên bạn có thể thấy rằng tất cả son môi đều có chứa một lượng chì nhất định. Sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn tất cả các thành phần chì trong son môi, nếu chì ở một mức độ cho phép như mình đã liệt kê ra thì nó không hề có hại cho sức khỏe. Chắc chắn các bạn cũng thấy các hãng lớn từ Chanel, Dior, YSL, Tom Ford… luôn luôn không bao giờ khẳng định rằng “sản phẩm của chúng tôi không có chì” mà những khẳng định “không chứa chì” chỉ do chúng ta tự tạo ra và áp đặt cho một sản phẩm nào đó thôi. Còn trên thực tế thì tất cả các loại son môi đều chứa một hàm lượng chì nhất định như mình đã nói lúc nãy. Nên lời đồn về son Tom Ford không chứa chì là không có thật nhé.
Mình hy vọng qua bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu được về hàm lượng chì có trong son và mỹ phẩm là như thế nào. Một khi chúng ta hiểu được thì những lời quảng cáo “son không chì” sẽ không dụ dỗ được các bạn nữa đâu.
Nếu các bạn muốn xem qua về danh sách 400 loại son được FDA công bố thì click vào đây nhé.
Chúc các bạn luôn xinh.
Nếu cảm thấy thích các bạn nhớ Like và Share để ủng hộ Thuý nha.
Tài liệu tham khảo:
- Hepp, N. M., Mindak, W. R., and Cheng, J., “Determination of Total Lead in Lipstick: Development and Single Lab Validation of a Microwave-Assisted Digestion, Inductively Coupled Plasma–Mass Spectrometric Method,” Journal of Cosmetic Science, Vol. 60, No. 4, July/August, 2009.
- Hepp, N.M.., “Determination of Total Lead in 400 Lipsticks on the U.S. Market Using a Validated Microwave-Assisted Digestion, Inductively Coupled Plasma–Mass Spectrometric Method,” Journal of Cosmetic Science, accepted for publication in May/June, 2012, issue.
- Letter from Edmund G. Brown, Jr., Attorney General, State of California to J. L. Sean Slattery, David Lavine, and Laralei Paras regarding Proposition 65 claims concerning lead in lipstick, March 3, 2008.
- Health Canada, Draft Guidance on Heavy Metal Impurities in Cosmetics.
- Paula’s Choice
5 Comments
Nhu Quynh
February 1 at 9:26 amBài viết của chị luôn rất xúc tích và những kiến thức luôn có cơ sở khoa học để thuyết phục. Rất cảm ơn chị Thuý ! Em rất quan tâm đến vấn đề các loại mụn, nguyên nhân và cách xử lý, đặc biệt là mụn ẩn ( khi mình không có điều kiện đến bác sỹ da liễu ). Mong là một dịp nào đó sẽ được đọc bài của chị về chủ đề này ạ !
Ngan Suong
February 2 at 7:41 pmCảm ơn chị vì một bài phân tích rất rõ ràng, dễ hiểu, có cơ sở khoa học! Em học chuyên ngành Hóa học nên hiểu kha khá về vấn đề này, tiếc là nhiều bạn lại không tìm hiểu kỹ mà đã đưa ra kết luận không chính xác.
Phạm ánh
February 3 at 11:21 amUi htrc chỉ đoc lướt vì quá bận bịu, giờ nghỉ tết rảnh lôi blog bạn ra đọc lại từng bài, thấy hay quá. Giờ thì yên tâm dùng son roài… Thanks a lot :-***
Nhung
December 12 at 12:06 pmCảm ơn em – bài viết rất hay
Thùy Dương
March 25 at 9:16 amGiờ e có cơ sở để phản bác lại những người luôn đặt ra định kiến *đánh son nhiều gây thâm môi do có chì* rồi. Hí hí. Cảm ơn chị nhiều ạ